Nguyên nhân gây bệnh khô chân ở gà & Phác đồ điều trị bệnh

Bệnh khô chân ở gà là một trong những bệnh gặp phổ biến trên cả gà con và gà trưởng thành.

Bệnh này nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dần đến tình trạng bại liệt, ốm yếu, kém phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất chăn nuôi của bà con. Vì vậy ngay dưới đây cùng tìm hiểu chi tiết về hiện tượng bệnh gà khô chân và cách chữa trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây bệnh khô chân ở gà

Bệnh khô chân có thể gặp trong nhiều giai đoạn sinh trưởng của gà. Loại bệnh này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng hệ quả đều dẫn đến chân gà bị khô, lâu dẫn sẽ trở nên teo, co quắp cuối cùng là bại liệt. Khô chân khiến chúng không thể hoạt động, di chuyển như thông thường và mất cân bằng cơ thể.

Gà bị nhiễm bệnh thường xảy ra ở hai giai đoạn chính là lúc mới nở và khi trưởng thành. Dưới đây là một số các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khô chân kể trên:

  • Quá trình di chuyển về trang trại nuôi không đảm báo đúng yêu cầu về mặt kĩ thuật, cho gà ăn uống sớm thì sau vài ngày nuôi, chúng sẽ có những biểu hiện khô chân.
  • Giai đoạn úm gà cho mật độ úm dày khiến nhiệt độ môi trường và xung quanh chuồng úm cao dẫn đến tình trạng cơ thể gà mất nước dẫn đến hiện tượng của bệnh khô chân ở gà chọi hoặc gà thường
  • Không cung cấp đủ nước hay bố trí máng nước không hợp lý
  • Thức ăn cho gà không đủ chất, mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể
  • Thức ăn thiếu chất xơ và nhiều chất đạm khiến gà bội thực và tắc nghẽn đường ruột cũng là nguyên nhân khiến gà khô chân.
  • Điều kiện chuồng trại không đạt chất lượng vệ sinh tốt khiến gà con mắc một số loại bệnh nguy hiểm như bệnh thương hàn, Bạch lỵ, Newcatle…ỉa chảy, sức đề kháng sụt giảm dẫn đến hiện tượng khô chân , khô mỏ hoặc chết non.

2. Nhận biết triệu chứng của bệnh khô chân ở gà chọi

Không chỉ riêng bệnh khô chân mà ở bất kỳ bệnh nào, việc nắm vững các kiến thức y tế trong chăn nuôi sẽ giúp phát hiện triệu chứng bệnh sớm, ngăn chặn và điều trị kịp thời các bệnh nguy hiểm ở gà. Với các biểu hiện dưới đây là các triệu chứng thường thấy khi gà bị khô chân:

  • Phần da chân của gà bị khô, không tươi tắn, cơ chân bị teo lại do mất nước
  • Thường xuyên đứng một chỗ, ít vận động, hai mắt nhắm nghiền.
  • Gà thở khò khè, ủ rũ, ốm yếu, lông xù và vón cục, phần lông bụng bị bết dính bẩn.
  • Gà bị tiêu chảy, phân màu trắng nhớt, quan sát thấy hậu môn bị bết phân.

3. Cách phòng và cách chữa bệnh khô chân ở gà

Bệnh khô chân không quá khó để chữa trị nếu người chăn nuôi biết áp dụng biện pháp đúng cách. Dưới đây là các cách phòng và điều trị hiệu quả tình trạng khô chân ở gà mà bà con có thể tham khảo:

Cách điều trị bệnh khô chân

Khi đàn gà nhiễm bệnh khô chân nhưng chưa rõ được nguồn lây bệnh, bà con chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chữa bệnh sau :

Đối với gà con:

  • Tiến hành cách ly riêng những con gà có dấu hiệu bị bệnh ra chỗ khác để tiện trong việc theo dõi và điều trị tránh trường hợp lây cho cả đàn gà còn lại.
  • Kiểm tra kĩ nguồn thức ăn và nước uống cung cấp cho gà, đảm báo máng ăn và máng uống được treo đầy đủ và đúng cách.
  • Sử dụng thuốc Flofenicon 4% trộn vào nước cho gà uống hoặc trộn trong thức ăn cho gà, đồng thời theo dõi từ 4-6 ngày để đưa ra phương án tiếp theo trong phác đồ điều trị bệnh khô chân ở gà

Đối với gà trưởng thành:

  • Người chăn nuôi cần đảm bảo mật độ chuồng trại phù hợp cho đàn gà, đồng thời thay đổi diện tích chuồng trại trong quá trình gà phát triển.
  • Khi phát hiện gà nhiễm bệnh, người chăn nuôi nên sử dụng thuốc Pharamox, Pharmequin với liều lượng 1g/1lít nước sạch pha vào máng uống cho gà sử dụng, duy trì sử dụng trong 1 tuần để hạn chế và cải thiện dịch bệnh.
  • Cần bổ sung thêm một số loại kháng sinh cho gà như: Pharmequin, Pharamox, Ampi-col pha với ỷ lệ 1g/lít nước hoặc thuốc Pharcolivet 10g/2,5 lít nước. Cho gà uống hỗn hợp nói trên liên tục trong 5 ngày đêm để khống chế vi khuẩn bội nhiễm
  • Tiến hành tách đàn với những con gà có biểu hiện kém, theo dõi đồng thời bổ sung một số loại vitamin và chất khoáng phù hợp để bù nước. Nếu gà nhiễm bệnh quá nặng nên chuẩn bị quá trình tiêu huỷ để không ảnh hưởng đến toàn bộ đàn gà.

Phòng bệnh khô chân trên gà

  • Nuôi gà với mật độ hợp lý, đảm bảo chuồng trại cao ráo, luôn lưu thông khí thoáng mát là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh khô chân ở gà
  • Mùa khô nóng có thể tăng thêm độ ẩm trong chuồng bằng lắp ráp hệ thống phun sương, tạo hơi nước giúp gà không bị mất nước nhanh.
  • Sát trùng, vệ sinh chuồng trại định kì, rắc vôi xung quanh nền chuồng khi thả gà mới vào
  • Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước sạch đáp ứng nhu cầu của gà
  • Nguồn thức ăn cho gà phải có kiểm định và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, không hư hỏng thối mốc hoặc ẩm ướt. Người chăn nuôi có thể sử dụng một số loại máy xay thức ăn chuyên dụng, máy trộn thức ăn để chủ động kiểm soát thức ăn cho gà.
  • Thực hiện đúng quy trình tiêm chủng vác xin theo tuổi đúng liều lượng và đúng kỹ thuật

Như vậy, bài viết trên đã chia sẻ đến bà con những thông tin về bệnh khô chân ở gà. Hãy luôn trang bị đầy đủ cho mình những kiến thức y tế kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng hiệu quả trên đàn gà của mình và gặt hay được những thành quả lớn trong chăn nuôi.